NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 79 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG 8 THÀNH CÔNG VÀ QUỐC KHÁNH 02/9!

Trang chủ/ Cải cách hành chính

  04/05/2024     |  Lượt xem 4   

ĐẨY NHANH, ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI BỀN VỮNG

Cải cách hành chính (CCHC) nhà nước là một chủ trương nhất quán, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong lãnh đạo tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Đại hội VIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Cải cách nền hành chính nhà nước, bao gồm cải cách thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tổ chức và hoạt động tư pháp”. Đại hội IX xác định nhiệm vụ: “Xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa”.

Cụ thể hóa và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng qua từng thời kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành theo thẩm quyền nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ thị về CCHC, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. CCHC nhà nước hiện nay tập trung vào 6 nội dung, gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

Tại Hưng Yên, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của CCHC, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phổ biến, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như: Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 về “đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; các nghị quyết của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 -  2030...

Bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 10/8/2022 về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 160-KH/TU ngày 03/02/2023 quán triệt, học tập, nghiên cứu, tuyên truyền và thực hiện Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đẩy mạnh CCHC nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND ngày 07/12/2021 về CCHC nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025; thành lập Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh Hưng Yên; ban hành Quy định về xác định Chỉ số CCHC và Bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện CCHC; ban hành kế hoạch tuyên truyền, kế hoạch kiểm tra công tác CCHC định kỳ hằng năm; tổ chức phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh công tác CCHC Nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022 - 2025” nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn.

Qua thực tiễn triển khai, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh đã đảm bảo kịp thời, chất lượng, tuân thủ về trình tự, thủ tục ban hành, tạo điều kiện đưa các chính sách mới sớm đi vào cuộc sống; việc tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật được tăng cường, nhất là các lĩnh vực được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: đầu tư, đấu thầu, đăng ký kinh doanh, đầu tư công; quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; lao động, việc làm; bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; pháp luật về bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đẩy mạnh. Nhiều cuộc thi tìm hiểu, phát hiện sáng kiến, giải pháp về CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được cán bộ, công chức, viên chức hưởng ứng tham gia, từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện CCHC nhà nước, rèn luyện kỹ năng hoạt động công vụ; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị.

Xác định cải cách TTHC là khâu đột phá hướng tới xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, tỉnh đã triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung để các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC cũng như cung cấp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã đáp ứng 100% yêu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; hiện cung cấp 1.635 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 988 dịch vụ toàn trình; tích hợp 1.279 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận, xử lý của tỉnh đạt 88,2% (tăng 42% so với năm 2022); 100% hồ sơ TTHC của các sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã được xử lý đúng hạn.

Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và thực hiện tinh giản biên chế công chức đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy 17 sở, ngành (giảm 07 chi cục, ban thuộc sở và 57 phòng thuộc sở, ngành, chi cục); giảm 10 phòng y tế thuộc UBND cấp huyện. Đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2026 đã được ban hành, làm cơ sở để sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh thực sự tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, giảm tối đa cấp trung gian, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan, các cấp chính quyền trong tỉnh.

Thực hiện cải cách chế độ công vụ, các cơ quan, tổ chức hành chính đã được phê duyệt vị trí việc làm theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức; 544/544 đơn vị sự nghiệp đã được phê duyệt Đề án (điều chỉnh) vị trí việc làm giai đoạn 2022 - 2025. Việc tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý đã đảm bảo đúng quy định hiện hành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thường xuyên.

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp thông qua việc phân cấp; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm và quyền hạn của cá nhân. 100% đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ.

Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và hoạt động ổn định. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan hành chính được liên thông 4 cấp, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm. Nhiều nền tảng thông minh đã được triển khai như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ UBND tỉnh đến UBND cấp huyện, cấp xã; hệ thống thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành y tế và giáo dục; hệ thống thu thập số liệu tiêu thụ điện từ xa; hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự; hệ thống quan trắc tự động nước thải; hệ thống phát wifi miễn phí tại các điểm công cộng; Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh, Trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào…

Có thể thấy, sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự tập trung, bám sát các mục tiêu của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh trong quá trình triển khai CCHC đã đem lại những kết quả thiết thực và cụ thể. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tầm quan trọng của công tác CCHC không ngừng được nâng lên; ý kiến đánh giá hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp tăng qua các năm. Năm 2023, Hưng Yên vươn lên nhóm cao của cả nước khi xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Cùng với chuyển biến tích cực của CCHC, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh năm 2023 đạt 10,05%, xếp thứ 4/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng thu ngân sách vượt 44% so với dự toán. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,86%. Văn hóa, xã hội phát triển ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC tại bộ phận một cửa các cấp còn khó khăn do việc chia sẻ dữ liệu qua Hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương đến tỉnh chưa nhiều, chưa kết nối đến các địa phương trong tỉnh. Việc triển khai tổ chức, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính có lĩnh vực chưa đồng bộ. Việc thực hiện tự chủ tài chính còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, đặc biệt là ở cấp huyện.

Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên xác định tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ CCHC theo chương trình, kế hoạch đề ra; thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thông tin, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết dịch vụ công; tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tổ chức bộ máy; xây dựng, triển khai Phương án quy hoạch đơn vị hành chính giai đoạn 2025 - 2030; thực hiện hiệu quả công tác quản lý biên chế, cán bộ, công chức cấp xã, trọng tâm là giảm biên chế cán bộ, công chức cấp xã gắn với sắp xếp đơn vị hành chính; nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng thông thoáng, thuận tiện, sinh lợi cho các nhà đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư vào tỉnh.

Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như mỗi đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện CCHC; phát huy hơn nữa sự tham gia của các tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát thực thi chính sách; nâng cao chất lượng điều hành, quản trị hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng bền vững.

                                                        Trần Quốc Văn
                                                             Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
 
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 24058